“IN YOU, I TRUST!”
Just another Vivaldi.net Userblogs Sites site
“IN YOU, I TRUST!”
Hội này chỉ tồn tại để người thích ở một mình biết có người khác cũng thích ở một mình, xã hội không toàn người có tinh thần hướng ngoại như trên TV. Chúng tôi chỉ cần điều đó.
Cái “một mình” ở đây không liên quan gì tình yêu. Không phải “thích ở một mình” có nghĩa là “không thèm yêu”. “Thích ở một mình” ở đây (theo hiến pháp của hiệp hội) có ý nghĩa giản dị hơn: “Mỗi ngày thích có thời gian ở một mình để suy nghĩ, sáng tác, và thư giãn”.
Ai muốn đăng ký tham gia hiệp hội phải có tính cách giống chúng tôi. Vậy chúng tôi là những người như thế nào?
…
Trước hết chúng tôi là người bình thường. Văn hóa Việt Nam hơi nghiêng về phía “cộng đồng” nên chúng tôi đôi khi bị nói là “hơi lập dị” (Nếu sống ở Nhật Bản hay Anh Quốc không ai nói thế đâu). Nhưng chúng tôi không bị trầm cảm, tự kỷ hay bệnh tâm thần gì hết. Chúng tôi chỉ thích ở một mình, thế thôi.
Thứ hai, không phải lúc nào chúng tôi đều thích ở một mình. Đôi khi chúng tôi rất thích chia sẻ, có người khác xung quanh. Nhưng các người ấy phải hợp với chúng tôi, anten của họ phải bắt đúng tin hiệu mà đài của chúng tôi đang phát, và ngược lại. Mặc dù chúng tôi có khả năng nói chuyện xã giao với bất cứ ai (đời đã cho chúng tôi nhiều cơ hội tập luyện) nhưng chúng tôi sẽ thấy rất vất vả, nhanh “hết pin”.
Chúng tôi kiêu.
Chúng tôi thích quán café yêu tĩnh.
Chúng tôi ghét những người gây ồn ào ở quán café yên tĩnh. Chúng tôi đặc biệt ghét những người gây ồn ào ở quán café yên tĩnh bằng cách chửi bậy. Chúng tôi cầu trời để một phần trần nhà rơi xuống đâm họ bất tỉnh. Chúng tôi không hiểu vì sao họ không tự biết họ đang nói quá to. Bản thân chúng tôi chỉ dùng đủ “volume” để người đối diện có thể nghe được. Một cuộc trò chuyện riêng là một cuộc trò chuyện riêng; chúng tôi không dùng cái miệng làm cái loa phường.
Khi đi chơi cùng nhóm chúng tôi hay bị người khác nói “Bạn ít nói thế!”, Chúng tôi rất ghét câu đó.
Chúng tôi thỉnh thoảng có cảm giác muốn thoát khỏi phòng karaoke, nhà hàng, đám cưới đông người. Chúng tôi biết nhiều cách để làm được điều đó. Sáng hôm sau hay có người hỏi: “Tối qua mày biến mất ở đâu, lúc nào? Hát xong tao tưởng mày vẫn còn đó, tìm mãi không thấy!”. Chúng tôi cười. Hóa ra chúng tôi là ma.
Chúng tôi sợ những lần đi chơi cùng nhóm mà theo phong tục của Việt Nam chúng tôi phải đợi mọi người đứng lên mới về cùng nhau. Chúng tôi cảm thấy sắp bị điên khi mọi người đang chuẩn bị về rồi quyết định “hát nốt” vài bài, việc hát nốt ấy kéo dài đến gần nửa tiếng.
Chúng tôi không sợ nói dối, nếu việc nói dối có nghĩa chúng tôi được về sớm.
Chúng tôi hơi sợ Tết.
Chúng tôi khó yêu.
Ai mà yêu được chúng tôi (và được chúng tôi yêu lại) là người may mắn.
Khi học cấp 3 có thầy giáo yêu cầu lớp làm việc nhóm, chúng tôi tìm cách nhận những việc khó nhất, mang về tự làm. Đó là vì (a) chúng tôi không muốn mất thời gian cười duyên khi người chưa hiểu vấn đề phát biểu dài dòng (b) chúng tôi tự làm sẽ nhanh và chất lượng hơn.
Chúng tôi cảm thấy khó chịu khi phải giải thích những điều người ta nên tự hiểu.
Chúng tôi yêu thiên nhiên.
Chúng tôi sợ nhất là những người không bắt được tín hiệu. Ví dụ, một anh taxi bắt chuyện chúng tôi. Chúng tôi sẽ trả lời hết sức ngắn gọn và xã giao, để anh taxi đó hiểu rằng chúng tôi không có gì để nói vào lúc này. Khi anh taxi hỏi tiếp (và tiếp và tiếp) chúng tôi bị “điên ngầm”. Nếu đặt mình vào vị trí của anh taxi đó chúng tôi sẽ không hỏi tiếp đâu – có chút cảm giác khách không muốn nói chuyện là chúng tôi im lặng ngay.
Chúng tôi thích đi bộ.
Chúng tôi không thích phát triển quan hệ với cấp trên bằng cách “đi nhậu”. Chúng tôi thà cho tiền gấp đôi vào phong bì A4 hơn là mất thời gian đi nhậu với người lạ chưa biết có hợp với mình. (Nếu có hợp thì đi nhậu vì tình cảm, không phải vì quan hệ)
Nếu đến nhà cô hàng xóm để mượn tua vít, rồi thấy cô ấy bắt đầu xếp ghế và rót nước, chúng tôi nghĩ: “Chết rồi!”.
Chúng tôi thích mèo hơn chó.
Chúng tôi hay ngại.
Chúng tôi chung thủy trong tình yêu. Nhưng phải xác định đó là tình yêu trước – chưa xác định hai người là người yêu của nhau thì vẫn nhẳng như ai.
Chúng tôi thích vẽ tranh, viết blog, sáng tác bài hát… xuất phát từ những giây phút ngồi một mình.
Chúng tôi quý người già.
Chúng tôi có khả năng nhận ra nhiều thứ. Ai đang yêu ai, ai đang sợ ai (và ai đang sợ yêu ai), hoặc ai đang buồn vu vơ, ai chưa đủ trình độ để biết vu vơ là cảm giác gì. Hai con mắt của chúng tôi luôn ghi hình, liệu hồn!
Chúng tôi có khả năng nhận ra nhau. Đi nhà hàng, ngồi ở bàn, được giới thiệu 15 người bạn mới (là các bạn bè của một người chị trong họ chẳng hạn) là chúng tôi nhận ra ngay “đồng hương”. Anh Joe ơi, đây là bạn Linh (tội gật đầu, cười), kia là anh Hiếu (tội gật đầu, cười), kia là em Nhung (tội gật đầu, cười), kia là em Hiền (“Em giống anh đấy” hai mắt của Hiền nói, “Và em biết anh biết anh rất giống em”)
Chúng tôi có văn hóa riêng. Nếu tôi đi cùng một người Canada “chưa bắt được tín hiệu” và một người Việt Nam “bắt được tốt” tôi sẽ cảm thấy gắn bó với người Việt Nam hơn, mặc dù tôi và người ấy đến từ hai văn hóa khác nhau.
Chúng tôi nhạy cảm.
Khi đi chơi cùng nhóm và thấy có một người đang buồn vì chưa biết cách tham gia vào cuộc trò chuyện, chúng tôi tạo điều kiện để người ấy nhảy vào một cách tự nhiên.
Chúng tôi khéo.
Nếu không cẩn thận chúng tôi có thể làm người không khéo bằng cảm thấy sợ.
Chúng tôi hay bị hiểu nhầm là người bi quan. Chúng tôi lạc quan và yêu đời nhưng “nói nhiều làm gì”. Chúng tôi sống rất ý nghĩa, đóng góp nhiều cho xã hội, nhưng hai điều đó chúng tôi làm theo cách của chúng tôi.
***
Hết. Nếu bạn nhận ra chính bạn trong những “chúng tôi” trên, bạn có thể đăng ký làm thành viên của Hiệp hội những người thích ở một mình (mời bạn nộp hồ sơ ở phần comment). Đăng ký xong bạn không cần phải làm gì hết, cứ tắt máy đi và chơi đi… một mình.
P/s: đúng chỉ có những hội viên cốt cán mới có thể đúc kết được những kinh nghiệm thế này . Theo đánh giá cá nhân thì mình phải đạt được 99,99% tiêu chí của hội rồi. Tham gia ngay mới được